(2024) Phân Loại Ô Tô Theo Nguồn Động Lực

Phân Loại Ô Tô Theo Nguồn Động Lực

1. Động cơ xăng

Động cơ xăng là động cơ dùng tia lửa điện của bugi để đốt cháy hỗn hợp xăng với không khí được nạp vào trong xi lanh động cơ để sinh ra sự giãn nở nhiệt tạo công suất vận hành cho động cơ. Loại động cơ này phổ biến trên các dòng xe cỡ nhỏ, xe dùng đi lại trong đô thị hay xe thể thao.

Ưu nhược điểm của xe dùng động cơ xăng là:

  • Vận hành mượt và êm hơn, xe chạy không ồn như là xe máy dầu (diesel).
  • Khả năng tăng tốc tốt giúp đạt tốc độ cực đại nhanh hơn so với ô tô máy dầu.
  • Khả năng tiết kiệm nhiên liệu kém hơn máy dầu và giá nhiên liệu đắt hơn. – Dễ bốc cháy gây hỏa hoạn hơn khi xảy ra va chạm.
Ô tô dùng động cơ xăng

Hình 2-1: Ô tô dùng động cơ xăng
Mô tả hoạt động của động cơ xăng

Hình 2-2: Mô tả hoạt động của động cơ xăng

2. Động cơ dầu Diesel

Động cơ Diesel sinh công suất từ việc nén hỗn hợp không khí và dầu diesel dưới áp suất cao làm tự đốt cháy hỗn hợp hoà khí đẩy pison đi xuống. Động cơ Diesel sử dụng chủ yếu cho các dòng xe cần mô men xoắn lớn, chịu tải cao như xe bán tải, xe thể thao đa dụng (SUV) hoặc xe tải chở hàng hóa.

Ưu nhược điểm của động cơ diesel:

  • Tiết kiệm nhiên liệu nhờ hiệu suất cao và giá dầu ở Việt Nam rẻ hơn xăng.
  • An toàn hơn về sự cố cháy nổ nếu có xảy ra va chạm giao thông.
  • Khả năng chịu quá tải của động cơ diesel tốt hơn động cơ xăng.
  • Cấu tạo của động cơ diesel nặng hơn so với động cơ xăng khi cùng công suất.
  • Chi phí sửa chữa cao hơn do các chi tiết, bộ phận của hệ thống nhiên liệu diesel có thiết kế rất tinh vi và đòi hỏi độ chính xác rất cao.
  • Động cơ diesel xả nhiều khói bụi và mùi khó chịu gây ô nhiễm môi trường.
Xe đa dụng SUV sử dụng động cơ diesel

Hình 2-3: Xe đa dụng SUV sử dụng động cơ diesel

3. Động cơ điện

Ô tô điện đang dần trở thành lựa chọn của nhân loại nói chung, thay thế cho các loại ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Động cơ điện không sử dụng nhiên liệu đốt (xăng, dầu và khí đốt), thay vào đó sẽ sử dụng điện được lưu trữ ở các bộ ắc quy (pin).

Xe ô tô sử dụng động cơ điện có các ưu nhược điểm như sau:

  • Không có sự cháy nhiên liệu khi xe chạy nên không xả thải khí cháy gây ô nhiễm môi trường.
  • Hoạt động không gây ra tiếng ồn như động cơ sử dụng nhiên liệu đốt cháy.
  • Khả năng đáp ứng mô men kéo nhanh và chính xác theo điều khiển của lái xe; dễ ứng dụng các công nghệ tự động hóa trong điều khiển và bảo vệ an toàn giao thông.
  • Xe điện có giá thành sản phẩm đắt đỏ hơn xe truyền thống là do công nghệ chế tạo pin (ắc quy chuyên dụng) phức tạp và đồng thời do quy mô của thị trường chưa đủ lớn để nhà máy chế tạo tăng năng suất giúp giảm giá thành sản phẩm.
  • Thời gian chờ sạc đầy bộ pin khá lâu (hơn 3 giờ) và các trạm sạc pin dành cho ô tô điện chưa được phổ biến bằng trạm bán xăng dầu.
Xe ô tô điện và bộ nguồn pin

Hình 2-4: Xe ô tô điện và bộ nguồn pin
Sơ đồ cấu tạo của xe ô tô điện

Hình 2-5: Sơ đồ cấu tạo của xe ô tô điện

4. Động cơ lai (hybrid)

Hybrid là dòng xe sử dụng kết hợp động cơ đốt trong truyền thống và một hay nhiều động cơ điện để tạo ra lực kéo. Hai loại động cơ này trên xe hybrid kết hợp nhằm đạt những tiêu chí khác nhau, tùy vào mục đích của nhà sản xuất nhưng có ba mục đích chính là tiết kiệm nhiên liệu, tạo ra sức kéo lớn và giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Ưu nhược điểm của xe ô tô dùng động cơ lai (hybrid) là:

  • Thông qua phần điều khiển động cơ điện để thu hồi cơ năng khi giảm tốc hoặc xuống dốc (phanh tái sinh) giúp tiết kiệm nhiên liệu khi chạy xe.
  • Phối hợp tối ưu việc phân phối công suất giữa 2 động cơ (điện và xăng) giúp xe tăng tốc nhanh hơn hoặc tắt luôn động cơ xăng để giảm thải khí gây ô nhiễm môi.
  • Khi xe đi đường xa thì nạp xăng để chạy còn khi xe đi đường gần hay nội đô thì nạp điện để chạy. Điều này tạo ra sự thuận tiện rất lớn cho người dùng.
  • Do cấu tạo cùng lúc có 2 động cơ nên khối lượng tự trọng của xe là lớn.
  • Với cấu tạo càng nhiều bộ phận và hệ thống thì rủi ro hư hỏng càng cao. Ngoài ra do cấu tạo phức tạp nên chi phí bảo dưỡng và thay thế phụ tùng hư hỏng của xe hybrid cũng tăng theo.
Cấu tạo của xe ô tô lai (hybrid)

Hình 2-6: Cấu tạo của xe ô tô lai (hybrid)
Sơ đồ mô tả cấu tạo các hệ thống trên ô tô lai (hybrid)

Hình 2-7: Sơ đồ mô tả cấu tạo các hệ thống trên ô tô lai (hybrid)

5. Động cơ pin nhiên liệu (Fuel Cell)

Xe ô tô pin nhiên liệu, còn gọi là xe chạy hydro, là một biến thể của xe chạy điện truyền thống. Theo đó, xe ô tô pin nhiên liệu sử dụng điện sinh ra trực tiếp từ phản ứng hóa học giữa khí hydro (H2) đã nạp trong bình chứa với khí ô xy (O2) có trong không khí và được xúc tác thông qua một thiết bị chuyên dụng. Trong quá trình xe chạy, bình chứa khí hydro sẽ cạn dần và chất thải sinh ra chính là nước tinh khiết (H2O) nên không gây ô nhiễm môi trường.

Pin nhiên liệu hydro sở hữu một số các ưu, nhược điểm như sau:

  • Không phát thải ra khí gây ô nhiễm môi trường như xe chạy xăng dầu.
  • Vận hành yên tĩnh nhờ phản ứng hóa học sinh ra điện năng nhằm vận hành xe diễn ra một cách yên lặng và không gây ồn như động cơ đốt trong.
  • Xe có cấu tạo ít các bộ phận hơn những mẫu xe truyền thống nên chi phí bảo dưỡng và sửa chữa thấp hơn.
  • Chi phí chế tạo của bộ pin nhiên liệu (fuel cell) và chính giá nhiên liệu hydro (H2) vẫn còn cao nên gây tốn kém hơn cho người sử dụng.
  • Số lượng trạm nạp nhiên liệu hydro (H2) vẫn còn hạn chế.
Nạp nhiên liệu hydro cho xe pin nhiên liệu (fuel cell)

Hình 2-8: Nạp nhiên liệu hydro cho xe pin nhiên liệu (fuel cell)
Cấu tạo của xe chạy pin nhiên liệu (fuel cell)

Hình 2-9: Cấu tạo của xe chạy pin nhiên liệu (fuel cell)

Các bài viết khác về chủ đề Phân Loại Ô Tô:

No Responses

  1. Pingback: (2023) Phân Loại Ô Tô Theo Kiểu Dáng - kienthucoto.net Tháng Mười Một 12, 2023

Leave a Reply