1. Quy trình và yêu cầu kỹ thuật tháo hệ thống phân phối khí
1.1 Quy trình tháo
1.1.1 Chuẩn bị
– Dụng cụ tháo lắp: clê tròng miệng; tuýp các loại, kìm bằng đầu, kìm mỏ nhọn, kìm tháo phe hãm, cảo ba chấu, búa đồng, kìm tháo lắp xéc măng, vam tháo lắp lò xo xu páp;
– Dụng cụ đo kiểm: panme đo trong, panme đo ngoài, căn lá, thước lá, thước cặp, thước vuông, đồng hồ so, bàn máp, thước vuông, khối thép V;
– Dụng cụ sửa chữa: khoan tay, dũa mịn, bộ dao doa ba kích thước;
– Nguyên vật liệu: xăng, dầu rửa, xà bông, bột màu, bột rà xu páp, giấy nhám, giẻ lau, dầu nhờn, mỡ, khay đựng dụng cụ, khay vệ sinh dụng cụ …
1.1.2 Trình tự tháo hệ thống phân phối khí
– Xả dầu bôi trơn.
– Xả dầu trợ lực lái.
– Xả nước làm mát.
– Tháo dây của hệ thống điện lắp trên động cơ, tháo bình ắc quy, bộ chia điện.
– Tháo dẫn động bướm ga, bướm gió, các ống dẫn nhiên liệu ống dẫn không khí, ống dẫn chân không.
– Tháo bơm dầu trợ lực lái.
– Tháo két mát dầu, nước làm mát.
– Tháo bơm nén khí.
– Tháo bu lông cố định động cơ với khung xe.
– Đưa động cơ ra khỏi xe, đặt lên giá phù hợp.
– Vệ sinh bên ngoài động cơ;
– Sắp xếp dụng cụ thuận tiện cho quá trình tháo.
– Tháo bộ chế hoà khí (hoặc dàn phun xăng) đối với động cơ xăng.
– Tháo vòi phun, bơm cao áp đối với động cơ dầu.
– Tháo nắp giàn cò.
– Tháo đáy các te.
– Tháo đai ốc cố định puly trục khuỷu.
– Tháo puly trục khuỷu;
– Tháo đai ốc cố định khớp puly trục khuỷu (dùng cảo để cảo khớp cố định puly trục khuỷu ra ngoài).
– Tháo trục bộ chia điện.
– Tháo nắp đậy hộp bánh răng phân phối.
– Tháo dây đai hoặc xích dẫn động đối với hệ thống phân phối khí truyền động xích hoặc dây đai (chú ý dấu, nếu mất dấu phải xác định và đánh dấu lại).
– Tháo giàn đòn gánh.
– Tháo đũa đẩy.
– Tháo bơm nước làm mát.
– Tháo nắp máy (chú ý các đai ốc theo đúng quy trình tháo từ ngoài vào trong).
– Nhấc nắp máy ra ngoài (chú ý giữ đệm nắp máy tránh làm hư hỏng đệm).
– Tháo puly đầu trục động cơ (tháo đai ốc giữ puly, dùng cảo để tháo).
– Tháo con đội.
– Tháo bộ căn dịch dọc trục cam (chú ý kiểm tra cặp dấu của bánh răng cam và bánh răng đầu trục khuỷu, nếu không còn phải xác định lại dấu).
– Lựa tháo trục cam ra ngoài. (Chú ý: nếu động cơ dùng loại con đội hình nấm phải đẩy từng con đội lên mới tháo trục cam ra ngoài được).
– Tháo cụm xu páp.
1.2 Yêu cầu kỹ thuật tháo hệ thống phân phối khí
– Trước khi tháo đánh dấu thứ tự các cây xu páp trên nắp máy, chú ý cẩn thận khi tháo lò xò xu páp không để móng hãm bật ra ngoài rất nguy hiểm. Một số xu páp xả có thân rỗng được đổ vào chất sodium để làm mát. Không được làm mẻ hoặc làm gãy xu páp được làm mát bằng sodium. Chất sodium thoát ra có thể gây nổ và làm bị thương rất nghiêm trọng). Đặt nắp máy lên giá, dùng dụng cụ chuyên dùng ép lò xo xu páp và tháo các xu páp và lò xo khỏi nắp máy. Đặt các bộ phận theo thứ tự trong một giá đỡ. Nếu một xu páp không thể tháo ra được, kiểm tra phần cuối đỉnh của xu páp xem nó có bị bẹp đầu hoặc bị đập búa trên đầu không. Nếu có, sử dụng một cái đũa hoặc đá mài nhỏ để vạt cạnh sắc một cách nhẹ nhàng phần cuối đỉnh xu páp. Nếu ép mạnh xu páp qua ống dẫn hướng sẽ làm vỡ ống dẫn hướng.
– Tháo rời các chi tiết giàn cần bẩy xếp theo thứ tự số máy. Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ các chi tiết vừa tháo bằng dầu và xăng. Chú ý không làm trầy xước các bề mặt làm việc như thân xu páp, bạc (ống) dẫn hướng, con đội, cam,…
2. Quy trình và yêu cầu kỹ thuật lắp hệ thống phân phối khí
2.1 Quy trình lắp
Trình tự lắp ngược lại với trình tự tháo
2.2 Yêu cầu kỹ thuật lắp hệ thống phân phối khí
– Trước khi lắp phải lau thật sạch tất cả các chi tiết. Bề mặt làm việc của tất cả các chi tiết phải bôi một lớp dầu máy. Trục cam phải có khe hở theo hướng trục nhất định. Trục cam và bánh răng phân phối (bánh răng định thời) phải lắp lên thân xy lanh cùng một lúc, phải hết sức chú ý lắp đúng các ký hiệu đã được đánh dấu, nếu không sẽ không thể bảo đảm chính xác góc phân phối khí và thời gian phun dầu, đánh lửa. Lắp xu páp phải chú ý an toàn, đề phòng lò xo bắn vào người, yêu cầu các chi tiết của xu páp đều nằm theo bộ, sau khi tháo ra không được để lẫn lộn, khi lắp lại vẫn lắp theo bộ. Có một số máy diesel, vì để tránh cho lò xo xu páp khi làm việc không xảy ra hiện tượng cộng hưởng và khi máy chạy với tốc độ cao vẫn có thể làm việc trên toàn bộ chiều dài của nó, người ta đã dùng lò xo bước xoắn khác nhau, khi lắp loại lò xo này đầu có bước xoắn ngắn được lắp vào phía đuôi xu páp.
– Cụm xu páp, con đội, mỏ cò phải lắp đồng bộ, đúng dấu khi tháo.
– Sau khi sửa chữa hoặc thay thế xong phải kiểm tra lại và thử các hệ thống hoạt động nhẹ nhàng mới cho khởi động động cơ. Động cơ hoạt động đạt công suất cao theo yêu cầu, không có tiếng ồn, gõ từ hệ thống phân phối khí.